Loa Rockport Technologies Lyra - Cặp loa giá 4 tỷ đồng

Thiết kế
Toàn bộ vỏ ngoài của thùng loa và kết cấu đa tầng bên trong được tạo thành từ hai khối nhôm được đúc rất phức tạp ghép lại với nhau. Tấm baffle cùng tất cả các cơ chế gia cường và không gian dành cho các loa con đều là một khối nhôm duy nhất, hai bên cạnh và mặt sau loa là một khối nhôm khác. Sau một quá trình đúc vô cùng phức tạp, khối nhôm tạo thành baffle và bên trong thùng loa được cố định bởi CNC 5 trục. Kế tiếp, là công đoạn chế tác mặt ngoài của tấm baffle và các khoảng trống cho loa con. Các đường rãnh chạy bên ngoài khối nhôm thứ nhất và các đường rãnh ở mặt trong của khối nhôm thứ hai (khối vỏ ngoài), được đúc chính xác để ghép chúng lại vừa khít với nhau. Mặt ngoài của khối nhôm thứ hai được cắt gọt bằng máy CNC 5 trục nhằm tạo ra đường cong mềm mại nhưng tinh tế đặc trưng của Rockport Technologies Lyra.

Đồng thời, các khoảng trống giành cho các thành phần còn lại như bộ phân tần, chân đứng, cổng và lỗ gắn cọc loa cũng được gia công hoàn thiện. Sau khi ghép hai khối nhôm lại với nhau, các kỹ thuật viên lấp đầy khoảng trống giữa các đường rãnh bằng gần 70kg dầu nhớt đàn hồi urethane có độ trễ và mật độ cao (1842kg/m3). Nhờ vậy, hai khối nhôm được gắn liền với nhau tạo thành một khối duy nhất cực kỳ chắc chắn và tiêu âm cực tốt. Vật liệu urethane sau khi đã khô lại có độ cứng rất cao, có giá trị trở kháng cơ học tương đương với thùng loa bằng nhôm, giúp tiêu âm và hiệu năng truyền năng lượng tối đa.

Do hai khối nhôm được ghép lại bằng hệ thống các rãnh thay vì mặt phẳng trơn, nên bất cứ tín hiệu cộng hưởng nào phát sinh đều bị bẻ gẫy bên trong chất urethane, do đó triệt tiêu hoàn toàn hiện tượng cộng hưởng bên trong. Bằng cách này, toàn bộ thùng loa không có bất cứ một khớp nối hay móc khóa nào cả, và hoạt động như thể là một khối liền mạch duy nhất. Ngoài ra, nhờ thiết kế với các đường cong nên cặp loa không chịu ảnh hưởng của những hiện tượng thường gặp ở các thùng loa phẳng thông thường (những thùng loa có trục Z vuông góc với mặt đất). Nhờ đó, không chỉ tối ưu được vị trí của các loa con với nhiễu xạ edge tối thiểu, mà cặp Lyra trông cũng rất đẹp mắt. Và dĩ nhiên, thiết kế nguyên khối này cho chất lượng âm thanh vượt trội so với những thùng loa được làm từ hàng chục thành phần lắp ráp với nhau bằng hàng trăm đinh vít. Điều này có thể thấy rõ qua việc hoàn toàn không có cộng hưởng nội bên trong thùng loa, và hơn thế nữa.

Andy Payor là người đã thiết kế lại toàn bộ các loa con (driver). Lyra là loa 3 đường tiếng rưỡi bao gồm 1 loa beryllium tweeter 25mm,  2 loa trung 15cm và 2 loa bass 25cm. Không giống như một số loa Rockport trước đó thiết kế các loa bass nằm sau lưng, loa bass của Lyra được gắn ở mặt trước của thùng loa. Loa bass và loa trung của Lyra sử dụng chất liệu màng mới duy nhất trên các loa của Rockport – một màng loa 9 lớp sợi carbon / Rohacell ép theo dạng bánh sandwich với độ dày thay đổi so với chiều xuyên tâm của hình nón loa. Các lớp màng được gắn kết với nhau bằng một dụng cụ đặc biệt trong điều kiện tăng nhiệt độ và áp lực để tạo ra một lớp màng cực cứng nhưng vẫn rất nhẹ. Miệng dẫn sóng của loa tweeter được cải tiến mang lại hiệu suất cao hơn trong dải tần từ 1500-3000Hz, nâng thêm 6 dB về độ nhậy. Ngoài ra, bộ phân tần chạy dây dạng point to point (trực tiếp không bo mạch), sử dụng các linh kiện và tụ đặt riêng chất lượng cao. Tất cả các loa trước khi xuất xưởng đều do chính Andy Payor hiệu chỉnh lần cuối. Thoạt trông thì cặp Lyra nhỏ hơn nhiều so với cặp Altair, nhưng vẫn nặng tới 254kg. Và đó mới chỉ là một vài điểm nổi bật nhất của Lyra. Mọi khía cạnh của cặp loa Hi-End này đều được đẩy đến giới hạn tối đa, mang lại kết quả vượt xa cả trông đợi của nhà sản xuất. Bất cứ ai từng nghe cặp loa này đều khẳng định rằng đây là cặp loa hay nhất từ trước tới nay của Rockport. Cặp loa mẫu được trưng bày có màu xám kim loại tenorite Mercedes, trông thanh lịch và tao nhã và phải mất tới 40 giờ để hoàn thiện lớp vỏ ngoài cho một cặp loa..

Âm thanh
Tại lần ra mắt sản phẩm, cặp Lyras đã được phối ghép với preamp linestage Doshi Audio và ampli công suất monoblock Jhor,  dây Transparent, nguồn nhạc số từ một máy chủ chạy phần mềm BlueSmoke JRiver và giải mã DAC dCS Vivaldi, nguồn  LP dùng mâm Rockport Sirius III, cartridge Dynavector, phonostage Doshi. Các thiết bị đầu cuối sử dụng AudioQuest Niagara 7000 Low-Z Power Noise-Dissipation System, kệ giá Harmonic Resolution Systems (HRS). Theo Andrew Quint, tạp chí The Absolute Sound, chắc chắn loa Rockport Technologies Lyra là một trong số những cặp loa hay nhất thế giới, một cặp loa tuyệt vời mà ông ta đã từng nghe trong mọi điều kiện hoàn cảnh...

Mỗi thể loại âm nhạc từ các file nhạc của khách mời dự mang tới nghe thử đều được tái hiện một cách hoàn hảo, giầu âm sắc và đầy nội lực. Các bản thu âm trực tiếp hoặc tại phòng thu đều nghe rất trung thực. Âm thanh rộng mở, trong trẻo, trình diễn chi tiết tự nhiên, và âm hình đẹp, hầu như không có độ suy hao méo tiếng. Nghe album Dire Straits’ Brothers in Arms trên LP cảm nhận được không gian sân khấu nằm sâu đâu đó khoảng 40-45m phía sau hệ thống loa và thiết bị đang trình diễn. Từ trước khi được chính thức giới thiệu, loa Lyra đã cháy hàng, số lượng đơn hàng quá nhiều là lý do mà đến thời điểm này Lyra mới có mặt tại Việt Nam. Hãy trải nghiệm thực tế để hiểu rõ hơn về các tính năng độc nhất vô nhị của cặp loa có giá 4 tỷ đồng này.

Ghé thăm Aulet.vn để khám phá thêm thông tin chi tiết về siêu phẩm này cũng như thiết bị Hi-end khác ngay nhé!

Được đăng vào

Viết bình luận